1. Điều kiện chuyên gia được làm việc tại Việt Nam
Căn cứ Điều 151, Bộ luật Lao động năm 2019, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu:
-
Đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
-
Có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề.
-
Không phải người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
-
Có giấy phép lao động.
Theo Điều 3 nghị định 152/2020/NĐ-CP, Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
- Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Chuyên gia không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Các chuyên gia muốn tham gia thị trường lao động Việt Nam cần có giấy phép lao động ngoại trừ các trường hợp quy định tại điều 154, Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Các trường hợp này phải xin xác nhận người lao động không thuộc diện được cấp giấy phép lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi làm việc.
3. Thời hạn giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài
Giấy phép lao động tại Việt Nam có thời hạn 2 năm, được gia hạn một lần, không gia hạn vượt quá 2 năm.
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài
Căn cứ Nghị định 152/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài bao gồm:
-
Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động theo mẫu đính kèm Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
-
Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe có giá trị trong 12 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
-
Phiếu lý lịch tư pháp hoặc các văn bản chứng minh chuyên gia không phải là người đang bị điều tra, truy tố hay chấp hành án phạt.
-
Văn bằng, chứng chỉ, văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia.
-
2 ảnh màu, cỡ 4cmx6cm, chụp chính diện, không đeo kính, đầu để trần, phông trắng, chụp không quá 6 tháng tính đến ngày nộp.
-
Bản sao chứng thực hộ chiếu.
-
Hợp đồng lao động, hợp đồng cung cấp dịch vụ,... liên quan tới chuyên gia.
5. Quy trình thực hiện đề nghị cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài
Bước 1: Người sử dụng lao động hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia tới Việt Nam thực hiện nộp hồ sơ tối thiểu 15 ngày trước ngày chuyên gia tới Việt Nam làm việc tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi chuyên gia đó sẽ làm việc.
Bước 2: Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài.
Trường hợp không cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo, trả lời rõ lý do.
Bước 3: Nhận giấy phép lao động cho chuyên gia tại cơ quan tiếp nhận.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH MTV SLC, nếu có những thắc mắc về hồ sơ, thủ tục liên quan quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin:
- Điện thoại : 024.9999.8554
- Email : congtyluatslc@gmail.com
- Địa chỉ : BT 16A3-12 làng Việt Kiều Châu Âu, Khu Đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội