Chương trình máy tính được tạo nên từ trí tuệ, là thành quả lao động của tác giả, bởi vậy pháp luật Việt Nam đã quy định về việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho chương trình máy tính nhằm bảo vệ tốt nhất cho tác giả, chủ sở hữu. Bài viết dưới đây cung cấp những quy định cơ bản và thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho chương trình máy tính, nắm rõ các quy định trên là cơ sở quan trọng để tác giả, chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình.
1. Chương trình máy tính là gì?
Căn cứ điều 22, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chương trình máy tính được hiểu là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính có thể được viết bằng mã máy ( ngôn ngữ máy - Machine Language) hoặc các loại mã nguồn (các ngôn ngữ lập trình như Java, C++, Python,...).
2. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính
Căn cứ điều 59, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chương trình máy tính không được bảo hộ dưới dạng sáng chế. Căn cứ điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ, chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng bản quyền giống như tác phẩm văn học, âm nhạc. Tác giả, chủ sở hữu chương trình máy tính được hưởng các quyền tại điều 15, 16, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Như vậy, để một chương trình máy tính được bảo hộ, người ta không xét tới vấn đề về nội dung của kết quả hay công việc được chạy trên máy tính mà chỉ xét tới vấn đề không trùng lặp các câu lệnh, mã, lược đồ,... Ví dụ 2 chương trình máy tính đều giải quyết phép tính 18-10 và cùng cho ra một kết quả là 8 nhưng câu lệnh của 2 chương trình khác nhau thì chúng không bị coi là trùng lặp.
Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với chương trình máy tính bao gồm:
Tính nguyên gốc: chương trình không trùng lặp, sao chép các chương trình đã có trước đó.
Tính sáng tạo
Được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định: mã code được in trên giấy, được lưu trữ trong ổ cứng, lưu trữ trong các phần mềm,...
Chương trình máy tính là tài sản trí tuệ của tác giả, chủ sở hữu chương trình đó. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho chương trình máy tính là cần thiết để bảo vệ thành quả lao động trí tuệ, tránh bị đánh cắp hay đạo nhái, dễ dàng xử lý khi xảy ra tranh chấp.
3. Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho chương trình máy tính
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả
- Hai bản sao chương trình máy tính ( thường được in dưới dạng văn bản)
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (Nếu có các đồng tác giả); văn bản đồng ý của các đồng sở hữu (nếu có nhiều chủ sở hữu chung).
- Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ được chủ sở hữu ủy quyền), tài liệu chứng minh quyền đối với tác phẩm (trường hợp người hưởng quyền được chuyển nhượng, thừa kế từ tác giả, chủ sở hữu).
4. Thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính
Bước 1: Thực hiện nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả hoặc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV SLC
Địa chỉ: BT 16A3-12 Làng Việt Kiều Châu Âu, Khu đô thị mới Mỗ Lao, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Hotline: 024.9999.8554
Email: congtyluatslc@gmail.com
Website: https://slclawfirm.vn/