Việc nắm rõ quy định về nhãn hiệu nổi tiếng sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tránh được các rủi ro pháp lý về nhãn hiệu. Cùng chúng tôi tìm hiểu về quy định liên quan tới nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam qua bài viết dưới đây.
1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhãn hiệu nổi tiếng dù không được đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn được mặc nhiên bảo hộ. Đối với các nhãn hiệu khác căn cứ để xác lập quyền sở hữu công nghiệp là được cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập quyền sở hữu trí tuệ dựa trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào đăng ký.

2. Tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam
Căn cứ điều 75, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tiêu chí để đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng gồm:
- Số lượng người tiêu dùng biết đến hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, biết đến nhãn hiệu.
- Phạm vi lãnh thổ dịch vụ, hàng hoá mang nhãn hiệu được lưu hành. Với điều kiện này, việc một nhãn hiệu được lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới là một tiêu chí để đánh giá nó là nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu một nhãn hiệu được lưu hành trên cả thế giới nhưng không được lưu hành tại Việt Nam, nó vẫn có thể bị coi là không nổi tiếng tại Việt Nam và không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng.
- Doanh số, số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bán ra.
- Thời gian sử dụng nhãn hiệu
- Uy tín của nhãn hiệu.
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu và số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng.
- Gia trị vốn góp, gia chuyển nhượng của nhãn hiệu.
3. Quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Các quy định cơ bản của pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng:
- Xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở được sử dụng trong thực tế.
- Đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng cho hành hóa tương tự hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng nhằm lợi dụng uy tín hoặc làm ảnh hưởng tới khả năng nhận diện của nhãn hiệu nổi tiếng là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về cạnh tranh và nhãn hiệu tương tự đó sẽ không được cấp văn bằng bảo hộ. Trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn làm tổn hại đến chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
- Mặc dù không cần thực hiện đăng ký quyền sở hữu công nghiệp với Cục Sở hữu trí tuệ nhưng khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có nghĩa vụ chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng bởi hiện Việt Nam chưa có danh sách những nhãn hiệu được coi là nổi tiếng tại Việt Nam.